Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh, BR-VT đã thực hiện việc rà soát, cắm mốc ranh giới, đo đạc, cấp giấy chứng nhận, phê duyệt phương án sử dụng đất. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai; đồng thời, tạo hành lang pháp lý trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Sở TN-MT đang tiến hành rà soát, cắm mốc, xác định ranh giới đất có nguồn gốc lâm trường, quốc doanh và có kế hoạch sử dụng đất hợp lý, khai thác hiệu quả quỹ đất này. Trong ảnh: Người dân trồng tràm trên đất thuộc quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc).

Rà soát lại đất có nguồn gốc nông, lâm trường

Theo Sở TN-MT, với 33.634ha, chiếm 16,98% diện tích tự nhiên của cả tỉnh, khu vực nông-lâm trường chiếm lượng quỹ đất lớn và giữ vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng và hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, góp phần giảm nghèo.

Tuy nhiên, việc quản lý sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường còn tồn tại bất cập. Tại thời điểm thành lập, nhiều nơi đã giao chồng lấn với diện tích đất của người dân, giấy tờ, hồ sơ lạc hậu không quản lý được trên thực địa, có nhiều trường hợp người dân góp đất. Trong một thời gian dài các nông, lâm trường quản lý không hiệu quả để tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích xen kẽ, dẫn tới khó kiểm soát trong ranh giới đất được giao.

Nguyên nhân chủ yếu là do lịch sử hình thành các nông trường, lâm trường trải qua nhiều giai đoạn với nhiều chính sách quản lý khác nhau; hệ thống hồ sơ kỹ thuật và pháp lý sử dụng để quản lý đất còn thiếu chính xác, không phản ánh đúng thực tế, tạo kẽ hở cho việc vi phạm pháp luật và gây khó khăn, phức tạp cho quản lý đất đai. Phần lớn nông trường, lâm trường đều có địa hình phức tạp nên một số hộ dân lợi dụng lấn chiếm, tự ý phá rừng làm rẫy canh tác, tạo lập tài sản trên đất.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 112/2015/QH13, BR-VT đang dần đưa diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường vào quản lý chặt chẽ hơn. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT, Sở đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường rà soát, xác định ranh giới và cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng và các tổ chức, cá nhân khác sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh.

Sử dụng hiệu quả đất nông, lâm trường

Tính đến nay, Sở TN-MT đã cắm mốc ranh giới 7/8 đơn vị, DN; hoàn thành công tác lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất của 6 đơn vị, DN như: Công ty CP Cao su Hòa Bình; Công ty CP Nông nghiệp Hòa Lâm; Công ty CP Sản xuất Thương mại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Công ty CP Cao su Thống Nhất; Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Đông Nam Bộ; Công ty CP Phát triển Công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu. Trong đó, Sở đã hoàn thành công tác thu thập tài liệu, xác định ranh giới, đã xác định đường ranh giới và bàn giao mốc giới sử dụng đất của 7/8 đơn vị. Riêng Ban Quản lý rừng phòng hộ hiện đơn vị tư vấn đang thu thập hồ sơ.

Ngoài ra, Sở TN-MT cũng quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông trường, lâm trường với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương. Cụ thể, Sở TN-MT đang rà soát ranh giới đất chồng lấn đối với Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh để tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý.

Ông Nguyễn Văn Hải cho biết thêm, thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tiếp tục thực hiện đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh”. Trong đó, Sở tập trung rà soát, bổ sung đối tượng, gồm: các tổ chức, hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư đang quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và các tổ chức chuyển đổi từ nông, lâm trường bàn giao về địa phương. Sở cũng lấy ý kiến của huyện Côn Đảo để bổ sung hồ sơ ranh giới sử dụng đất của Vườn Quốc gia Côn Đảo; tiếp tục rà soát ranh giới chồng lấn Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành TN-MT cũng đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý về lĩnh vực đất đai; tích hợp dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường vào cơ sở dữ liệu đất đai địa phương. Đồng thời đề xuất UBND tỉnh các giải pháp, chính sách, phương án để xử lý những tồn tại, bất cập và tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường tại địa phương.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn